THANH XUÂN CỦA TÔI LÀ CHỮ NGHĨA

line
23 tháng 11 năm 2017

Trong cuộc sống, chúng ta thường không tránh khỏi hoàn cảnh phải đứng trước những lựa chọn. Dù là những câu chuyện giản đơn hay những vấn đề hệ trọng phức tạp, sự lựa chọn luôn gắn liền theo nó là tinh thần dấn thân và ý thức trách nhiệm.

 

 

Riêng với con đường chữ nghĩa, thật may mắn, vì không chỉ là tôi tự mình quyết định, mà ở một chừng mực nào đó, có thể nói, văn chương cũng đã lựa chọn tôi. Chúng tôi chọn nhau, cùng nhau tìm hiểu đối phương, và cũng là cùng nhau tìm hiểu chính mình. Thanh xuân của tôi là chữ nghĩa.

Chính vì chúng tôi cùng chọn nhau, cùng suy ngẫm về nhau, cùng suy ngẫm về bản thân mà văn chương đã mang đến cho tôi những phức cảm đa dạng, phong phú đến không ngờ. Ở đó có sự kỳ vọng, có sự ấm áp, có nụ cười, có hạnh phúc. Nhưng cũng chính nơi đó, có cả nước mắt, có cả nỗi hờn giận, niềm xót xa và sự cô đơn. Để rồi, sau chừng ấy những cảm xúc đan xen, những điều còn neo lại nơi tâm hồn tôi là những dư vị của sự an lòng. Thanh xuân của tôi đã dịu dàng và ồn ào như thế. Tôi nghĩ, nếu chọn lựa lại lần nữa con đường mà tôi theo đuổi trong chuyến nhàn du ở trọ trần gian này, tôi vẫn chọn văn chương.

Đi qua những lần hò hẹn

Các đề tài mà tôi quan tâm trong những trang viết của mình có sự thay đổi, chuyển biến theo từng chặng đường học tập và công việc. Mở đầu cuộc viết, thuở cấp hai cấp ba, tôi làm bạn cùng thơ. Những vần thơ hồn nhiên ngày ấy là những rung cảm của tôi về người thân, thầy cô, bạn bè và thế giới vạn vật xung quanh. Có lẽ, với những xúc cảm của tuổi gần lớn và tuổi mới lớn, thơ là thể loại phù hợp giúp tôi chuyển tải tình cảm lòng mình. Bước chân vào giảng đường đại học, tôi vẫn đến với nàng thơ trong những khi tình cảm dâng tràn. Nhưng những tâm sự về thời thế, về nhân sinh xã hội đã cuốn hút tôi đến nhiều hơn với những trang văn. Trong khuôn khổ câu chữ của truyện ngắn, tản văn, tôi có thể thỏa mình nêu lên những quan điểm của mình về cuộc sống. Tôi thể hiện góc nhìn của bản thân về những điều mắt thấy tai nghe qua sự hư cấu của những tình huống vừa quen vừa lạ. Tôi muốn dùng văn chương để phóng chiếu những vấn đề nổi cộm của xã hội, từ đó tạo ra những hiệu ứng nhằm thay đổi cục diện về bản chất. Thỉnh thoảng, tôi về thăm lại nàng thơ cùng những xúc cảm với quê hương, đất nước và với tình yêu; chất trữ tình của thơ vẫn được gìn giữ trong góc nhỏ trái tim tôi: nhẹ nhàng, xao xuyến. Văn chương, cho đến lúc ấy, với tôi, vẫn là cuộc dạo chơi chưa có đường hướng rõ rệt. Nó đơn thuần là suy nghĩ, là tiếng nói của tâm hồn tôi trước những khách quan đời sống.

Tốt nghiệp đại học, sau hơn một năm gắn mình với lĩnh vực báo chí, nhờ duyên lành của một buổi sớm mai đầu mùa thu, tôi chuyển sang công tác tại một trường đại học, ban đầu là chuyên trách tạp chí khoa học, sau nữa thì chuyển về khoa để giảng dạy và nghiên cứu. Chính lần tiếp xúc thứ hai với môi trường giảng đường này, trong tư cách không còn là người học, tôi đã có câu trả lời cho mối tình của tôi và văn chương. Tôi chọn con đường nghiên cứu, phê bình lý luận.

Những trang viết của tôi giờ đây là hành trình kiếm tìm những quy luật của sự viết, sự đọc; là thực hành thể nghiệm những lý thuyết, phương pháp nghiên cứu mới; là tháng ngày lần giở và trăn trở về các vấn đề làm thế nào để văn chương dự phần vào thế giới này như nó vốn là. Lĩnh vực mà tôi tập trung nghiên cứu với nhiều tâm sức là văn chương Hàn Quốc nói riêng, văn chương khu vực Đông Á nói chung. Đặc biệt, từ thẳm sâu trong niềm suy tư của một công dân Việt Nam, tôi luôn cố gắng liên hệ với văn chương nước nhà. Từ câu chuyện đi tìm những riêng chung, đi tìm những tương đồng và dị biệt giữa các nền văn học của từng quốc gia, tôi muốn cung cấp những lý giải, gợi ý những góc nhìn tham khảo cho văn chương Việt Nam.

Những cuộc sáng tạo chữ nghĩa vô vị lợi

Sự viết là cuộc đối thoại không ngừng nghỉ giữa người viết và điều được viết, cho dù đó là thơ, là văn xuôi, là kịch, hay là phê bình lý luận. Và đó mới là mục đích tối thượng mà sự viết hướng đến.

Tất nhiên, một tác phẩm được độc giả nhiệt tình ủng hộ sau khi phát hành là một niềm vui khôn cùng. Nhưng đó là việc của độc giả với sự cảm nhận, với tầm đón đợi của riêng họ; đó là viễn cảnh của thì tương lai, còn hiện tại, khi đối diện cùng những trang bản thảo, tôi nghĩ, hãy lắng nghe, hãy làm bạn cùng lòng mình, cùng những điều muốn viết, muốn sẻ chia qua nghệ thuật của ngôn từ, và chỉ nên là như vậy: những cuộc sáng tạo chữ nghĩa vô vị lợi. Và đó là một kiểu thanh xuân trọn đầy ý nghĩa…

 

TRẦN XUÂN TIẾN (Giảng viên Khoa KHXH&NV - Trường ĐH Văn Hiến)

 

Nguồn: Báo Thanh niên (ngày 23/11/2017)

Các tin liên quan