Viết về cô giáo tôi

line
Người ta chỉ có thể nói về biến cố đời mình một cách bình thản khi quá khứ đã lùi xa và lòng đã chấp nhận được sự thật. Và một khi ta tha thiết muốn nói về quá khứ nghĩa là có điều gì đó đang thôi thúc con tim.
 Đó là những ngày tháng ảm đạm nhất đời sinh viên của tôi, học kỳ một năm hai. Từ một sinh viên giỏi, tôi rớt xuống trung bình khá. Suốt ngày, tôi vùi đầu trong phòng trọ, không màng ăn uống, đôi mắt sưng húp và thân hình gầy đi nhanh chóng… Việc ba mẹ đưa đơn ra tòa li dị đã làm tôi như sụp đổ hoàn toàn. Đúng vào lúc ấy, Cô xuất hiện, vực tôi dậy bước ra những ngày đau khổ.

Tôi còn nhớ như in cái dáng gầy của Cô những buổi chiều trước cổng nhà trọ sau giờ làm việc. Từ trên lầu nhìn xuống, dưới hàng rào dây leo, cái dáng gầy chịu thương chịu khó của người con xứ Quảng không biết mệt mỏi như Cô đã khắc sâu vào tâm trí tôi không thể phai nhạt. Có lẽ trong đời mình, ngoài người ta yêu nhất hay làm ta đau khổ nhất, thì người xuất hiện bên cạnh lúc ta gặp điều bất hạnh là người ta nhớ nhiều nhất. Thời điểm ấy tôi chưa biết nhiều về Cô, chỉ biết Cô ra đi từ một vùng quê nghèo khó và trước khi là một sinh viên, rồi thành giảng viên, Cô từng là một thợ may cần mẫn kiếm tiền nuôi em ăn học. Thú thật, lúc đó tôi không muốn gặp Cô, chỉ thấy mình bị làm phiền vì tâm thế chưa sẵn sàng chia sẻ cùng ai điều gì. Nhưng Cô buộc tôi phải ra ngoài, buộc tôi ăn và gợi ý cho tôi tâm sự. Nể Cô, tôi ăn nhưng lòng vẫn đóng khép. Cô bèn chở tôi đi đây đó, khi ra quận I, khi vào Bình Quới, lúc đi nhà sách… Tôi tự hỏi sao Cô quá kiên nhẫn và hao công tốn sức như thế trong khi lòng tôi đã chán nản đến đỉnh điểm. Cho đến một hôm, Cô đến nhưng không đề nghị tôi đi đâu, chỉ đưa tôi bức thư và bảo tôi đọc. Tôi cầm lên phòng, mở thư ra và từng dòng chữ cứ nhòe đi trong nước mắt:

“Nhìn em, tôi chỉ muốn tát em một cái thật đau cho em tỉnh ngộ. Em hát hay lắm mà, hãy hát đi bài hát của Trịnh Công Sơn “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”… Em có biết còn biết bao mảnh đời bất hạnh hơn em, người ta vẫn sống tốt và phấn đấu tốt. Còn em, em định hủy hoại tương lai mình một cách uổng phí như thế hay sao? Ba tôi luôn dạy các con bằng bốn câu thơ tâm niệm sau:

Có vấp ngã mới thấy lòng sáng suốt

Có gian nan lòng mới cứng rắn hơn

Có thẳng căng như một sợi dây đàn

Mới tạo được âm thanh kỳ diệu

Ai trưởng thành mà không qua ít nhất đôi lần đau khổ hả em? Em là niềm hy vọng còn lại của mẹ em, lẽ nào em muốn nhìn mẹ mình thêm đau đớn và hoài công vì em…”

Tôi ôm mặt khóc như chưa bao giờ được khóc, những nỗi lòng ứ đọng cứ tuôn trào theo nước mắt. Đôi khi phải đợi ai đó mắng mình, ta mới sực tỉnh cơn mê. Từ ngày hôm ấy, gặp lại Cô, tôi dần vơi đi mặc cảm, khoảng cách, và cởi mở hết lòng, quyết tâm thay đổi vì mẹ, vì Cô và vì chính mình. Và từ lúc nào không biết, Cô trở thành người bạn, người chị, người mẹ thứ hai trong cuộc đời tôi. Điều đáng nói, Cô không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho tôi mà còn cho cả mẹ tôi. Và tôi cũng chỉ là một trong rất nhiều học trò mà Cô quan tâm. Tôi vẫn luôn tự hỏi, một người ốm yếu như Cô lấy đâu ra sức lực mà quan tâm nhiều người đến vậy, một người trẻ tuổi như Cô sao lại giàu vốn sống và tình người, lòng nhân ái đến vậy.

Học kỳ sau, mẹ tôi nhờ Cô giữ hộ số tiền tương đương một kỳ học phí để phòng khi khó khăn, Cô sẽ đóng thay mẹ tôi. Tôi yên tâm và lấy lại thăng bằng trong học tập. Cứ thế, tôi học hành trôi chảy cùng với sự trưởng thành về nhiều mặt nhờ có Cô dìu dắt. Cũng như rất nhiều sinh viên khác, tôi được Cô định hướng, dẫn dắt vào những hoạt động phong trào của khoa, của trường lẫn ngoài trường. Qua đó, tôi phát huy được khả năng, sở trường và cả những năng khiếu tiềm ẩn mà ngay bản thân tôi cũng không ngờ đến (như khả năng viết thư pháp chẳng hạn). Những gì tôi chưa đủ tự tin, Cô luôn là người cổ động. Những gì tôi muốn làm mà lúng túng, Cô sẽ luôn cố vấn và những gì tôi sai phạm, Cô sẵn sàng la rầy, chỉnh đốn. Chính Cô đã thổi vào lòng tôi cũng như lớp sinh viên thế hệ đầu đàn một ngọn lửa nhiệt huyết, một trái tim và một nghị lực sống. Quả thật, giờ đây điểm lại, những sinh viên từng một thời gắn bó cùng Cô đa số đều thành đạt. Bấy nhiêu đó cũng khiến lòng tôi mang ơn Cô sâu nặng. Nhưng câu chuyện về Cô của tôi không dừng lại ở đó.

Hai năm cuối đại học, mẹ tôi cố gắng bươn chải một mình để lo cho tôi học phí đầy đủ. Và thỉnh thoảng, khi cần những việc cấp bách như khám bệnh, mua thuốc, đi lại… tôi mới lấy dần số tiền mẹ tôi đã gửi Cô. Thật may, khoản tiền đó cũng đủ cho tôi đến ngày tốt nghiệp ra trường. Năm ấy, tôi tốt nghiệp loại giỏi, thủ khoa và được trường giữ lại làm việc. Cả Cô và mẹ tôi đều vui mừng. Với mẹ tôi, đó là niềm an ủi lớn lao sau những mất mát gia đình. Còn với Cô, niềm vui là được nhìn thấy những thành công bước đầu trên đường đời của sinh viên. Ngày tôi nhận được quyết định đi làm, mẹ tôi bật khóc, cũng là ngày tôi biết được sự thật về số tiền mẹ tôi gửi Cô. Mẹ nói mẹ không gửi số tiền nào cả, Cô bắt mẹ hứa như vậy và không nói gì với con để con yên tâm học hành. Tôi bàng hoàng xúc động, nín lặng cả buổi chiều, nước mắt không chảy nổi, chỉ có tiếng lòng đang chảy ào ạt muốn vỡ tan lồng ngực và tâm trí chỉ còn nghe vang vọng liên hồi hai tiếng “Cô ơi, Cô ơi…”

Đã hơn mười năm trôi qua, Cô giờ ở phương xa, nơi không vương vấn bụi trần và sớm chiều vui kinh kệ. Lòng tôi vẫn chưa bao giờ thôi nghĩ về Cô, về “món nợ” ân tình không sao trả nổi. Cô chính là ông Bụt bước ra từ chuyện cổ tích và là hiện thân của câu nói“Sống hết lòng cho người, vừa đủ cho mình”. Ngày Hiến chương Nhà giáo lại về, tôi biết chắc rằng không chỉ mình tôi mà còn rất nhiều sinh viên ngày ấy luôn nhớ về Cô với lòng yêu kính, thương nhớ vô bờ.

Sài Gòn, 20.11.2011
(Trần Nữ Phượng Nhi – Cựu Sinh viên Khoa Ngữ văn)
Góp ý
Các tin liên quan