Vấn đề chọn nghề để học và để làm phù hợp với kiểu nhân cách của bản thân

line
TÓM TẮT

Tâm lý học nhân cách và tâm lý học hướng nghiệp đã khuyến cáo: chọn nghề để học và để làm phải phù hợp với kiểu nhân cách của bản thân.

Có 16 kiểu nhân cách và mỗi người, với tư cách là chủ thể chọn nghề hoặc là đối tượng được tuyển dụng để hành nghề, đều thuộc về một trong 16 kiểu nhân cách đó.

Bài báo này nói về 16 kiểu nhân cách đó và về cách chọn nghề phù hợp nhất với kiểu nhân cách của bản thân mình.

1. Vấn đề chọn nghề để học của học sinh THPT ở nước ta hiện nay

            Trong những năm qua, học sinh sắp tốt nghiệp THPT đều phải làm một việc không thể không làm. Đó là việc chọn ngành nào, nghề nào để học ở một trường ĐH, CĐ hay Trung cấp chuyên nghiệp.

Có những em chọn một ngành, một nghề nào đó là do các em đã thích thú khi nhìn thấy cảnh người trong ngành trong nghề đó hoạt động. Có những em chọn ngành, chọn nghề nào là theo ý chí của cha, mẹ. Có những em chọn ngành, chọn nghề nào dễ xin được việc làm. Có những em chọn ngành, chọn nghề có thu nhập cao. Có những em chọn ngành, chọn nghề nào gần nhà, gần gia đình. Lại có những em chọn ngành, chọn nghề mà bạn mình đã chọn. Cách chọn ngành, chọn nghề để học và để làm như vậy, như thực tế đã cho thấy, là hoàn toàn chủ quan, phiêu lưu, không có cơ sở khoa học, “may nhờ, rủi chịu”. Tất nhiên, cũng có những em đã chọn như thế, nhưng rồi cũng học được, làm được, thậm chí học giỏi, làm giỏi và đạt được những điều các em muốn, nhưng nguyên nhân khách quan, có cơ sở khoa học của nó các em đâu có biết! số em này rất ít.

Tâm lý học nhân cách và tâm lý học hướng nghiệp đã cho biết và khuyến cáo các em cách chọn nghề để học và làm tốt nhất, có hiệu quả cao nhất là chọn nghề nào phù hợp với kiểu nhân cách của bản thân mình. Nếu chọn theo được cách đó và nếu chăm học thì chắc chắn sẽ học giỏi và làm giỏi nghề đó, tài năng sẽ phát triển cao trong nghề đó và tất nhiên cũng do đó mà có thu nhập cao. Vấn đề chỉ còn là: mỗi học sinh, trước khi quyết định chọn nghề nào để học, thì phải biết được bản thân mình thuộc kiểu nhân cách nào và với kiểu nhân cách đó thì mình phải chọn nghề nào là đúng nhất, phù hợp với con người mình nhất.

2. Nhân cách và kiểu nhân cách

Trong tâm lý học thế giới và Việt Nam đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về nhân cách, nhưng có thể tổng hợp và khái quát lại một cách ngắn gọn và dễ hiểu rằng nhân cách là toàn bộ những thuộc tính tâm lý ổn định trong một thời gian tương đối dài của đời người của mỗi cá nhân, những thuộc tính thể hiện bản sắc tâm lý và giá trị xã hội của chính và của riêng cá nhân đó.

Tùy theo quan niệm của từng nhóm nhà tâm lý học, cấu trúc của nhân cách có thể chỉ là 2 mặt (ví dụ: đứctài hay còn gọi là phẩm chấtnăng lực), hoặc là 3 mặt (ví dụ: nhận thức, tình cảmý chí) hoặc 4 mặt (ví dụ: xu hướng, năng lực, tính cáchkhí chất).

Vì thế cũng đã có những nhà tâm lý đưa ra 5 mặt sau đây của nhân cách, mỗi mặt có 2 thuộc tính trái ngược nhau mà bất cứ ai cũng có 1 trong 2 thuộc tính đó:

1/ Cởi mở (Openness) hay, ngược lại, khép kín.

2/ Chu đáo (Conscientiounsness) hay, ngược lại, cẩu thả.

3/ Hướng ngoại (Extraversion) hay, ngược lại, hướng nội.

4/ Dễ thương, dễ gần (Agreableness) hay, ngược lại, lạnh nhạt, khó tính.

5/ Bình tĩnh hay ngược lại, nóng nảy (Neuroticism).

(Người ta ghép 5 chữ cái đầu của 5 từ tiếng Anh trên đây lại thành từ OCEAN cho dễ nhớ 5 mặt nói trên của nhân cách).

Nhưng trong việc chọn ngành, chọn nghề và trong việc tuyển dụng nhân sự, một số các nhà tâm lý học nhân cách và tâm lý học hướng nghiệp lại đề ra 4 mặt sau đây của nhân cách, mỗi mặt cũng có 2 thuộc tính trái ngược nhau:

1/ Người hướng ngoại hay người hướng nội (Extraversion hay Introversion).

Người hướng ngoại là người thích giao tiếp, cởi mở và nhiệt tình với mọi người, muốn được mọi người chú ý đến mình; nghĩ gì là nói ra ngay và làm ngay, có thói quen nói nhiều hơn là lắng nghe người khác nói; thích hiểu biết rộng hơn là hiểu biết sâu, thích nhanh hơn là chậm …

Người hướng nội, ngược lại, là người thích ngồi một mình, ngại giao tiếp, không muốn ai chú ý đến mình; suy nghĩ nhiều nhưng lại nói ít hoặc không nói, và sau khi đã nghĩ kỹ và thấy cần thì mới nói và mới làm; có thể có nhiệt tình nhưng khép kín, không biểu lộ; thích hiểu biết sâu hơn là rộng, thích chậm hơn là nhanh.

2/ Người cảm nghiệm (Sensing) hay người trực giác (Intuition).

Người cảm nghiệm tin vào những cái gì chắc chắn và cụ thể; chỉ thích những ý tưởng mới nếu thấy những ý tưởng đó là có thể ứng dụng trong thực tiễn; coi trọng thực tế và ý kiến chung, phổ biến của nhiều người; thích sử dụng những kỹ năng đã có; hướng về hiện tại là chính.

Người trực giác tin vào sự cảm hứng và sự suy luận; thích những ý kiến và quan niệm mới vì cảm thấy thú vị hoặc có lợi cho mình; thích tưởng tượng, sáng tạo, đổi mới, thích học những kỹ năng mới nhưng lại dễ chán sau khi đã thành thạo những kỹ năng đó; hướng về tương lai là chính.

3/ Người lý trí (Thingking) và người tình cảm (Feelling).

Người lý trí thích phân tích một cách khách quan đối với mọi vấn đề; coi trọng tính logic, coi trọng lý luận, thích sự công bằng và có những tiêu chuẩn chung cho tất cả; thích phát hiện những sai sót, nhược điểm và phê phán; cho rằng tình cảm chỉ có giá trị khi nó hợp lý, hợp logic. Người lý trí thường bị coi là kẻ thiếu nhiệt tình, vô tình, vô tâm hoặc vô cảm.

Người tình cảm là người thường xem xét hiệu quả công việc của người khác; coi trọng sự thông cảm và sự đoàn kết; quan tâm đến những trường hợp ngoại lệ trong luật lệ; thích làm vui lòng người khác và đánh giá cao người khác một cách dễ dãi; cho rằng tình cảm nào cũng quý, cũng có giá trị, bất kể nó đúng hay sai; … Người tình cảm thường bị coi là yếu đuối; về mặt tâm lý, nhất là về mặt lý trí.

4/ Người phê phán (Judging) hay là người chấp nhận (Perceiving)

Người hay phê phán là người quy củ, có tính nguyên tắc; cảm thấy hạnh phúc khi đã ra được các quyết định; cho rằng phải làm việc trước đã, chơi sau nếu có thời gian; thích đặt ra những mục tiêu để hoàn thành và hoàn thành đúng hạn, cảm thấy hài lòng, hạnh phúc khi các dự án kết thúc có hiệu quả.

Người dễ chấp nhận là người có tính tự do, thoải mái; thích để ngỏ những vấn đề, đến đâu thì đến; cho rằng cần hưởng lạc ngay bây giờ, làm việc sau nếu có thời gian; hay thay đổi mục tiêu khi có thông tin mới; hài lòng khi các dự án bắt đầu.

Các nhà tâm lý đã lấy chữ E (Extraversion) để chỉ người hướng ngoại, chữ I (Introversion) để chỉ người hướng nội, chữ S (Sensing) để chỉ người cảm nghiệm, chữ N (Intuition) để chỉ người trực giác, chữ T (Thingking) để chỉ người lý trí, chữ F (Feeling) để chỉ người tình cảm, chữ J (Judging) để chỉ người phê phán, và chữ P (Perceiving) để chỉ người chấp nhận.

Để xác định ai đó có 4 thuộc tính nào trong 8 thuộc tính nói trên, nhà tâm lý học yêu cầu người đó, sau khi đã hiểu được người loại E, loại I, loại S, loại N, loại T, loại F, loại J và loại P là như thế nào rồi, thì tự xét mình có 4 thuộc tính nào trong 8 thuộc tính đó rồi điền 4 chữ vào 4 ô dưới đây:
E hay IS hay NT hay FJ hay P
 

4 chữ đó là kiểu nhân cách của người đó.

Theo cách trên thì có tất cả 16 kiểu nhân cách mà mỗi kiểu là sự kết hợp 4 trong 8 chữ E, I, S, N, T, F, J và P:
1ISTJ2ISFJ3INFJ4INTJ
5ISTP6ISFP7INFP8INTP
9ESTP10ESFP11ENFP12ENTP
13ESTJ14ESFJ15ENFJ16ENTJ
 

16 kiểu nhân cách nói trên có thể được trình bày thành 1 danh sách theo thứ tự dưới đây :

1) Kiểu (1) ISTJ (hướng nội- cảm nghiệm- lý trí- phê phán) trái ngược hoàn toàn với kiểu (11) ENFP (hướng ngoại- trực giác- tình cảm- chấp nhận).

2) Kiểu (2) ISFJ (hướng nội- cảm nghiệm- tình cảm- phê phán) trái ngược hoàn toàn với kiểu (12) ENTP (hướng ngoại- trực giác- lý trí- chấp nhận)

3) Kiểu (3) INFJ (hướng nội- trực giác- tình cảm- phê phán) trái ngược hoàn toàn với kiểu (9) ESTP (hướng ngoại- cảm nghiệm- lý trí- chấp nhận)

4) Kiểu (4) INTJ (hướng nội- trực giác- lý trí- phê phán) trái ngược hoàn toàn với kiểu (10) ESFP (hướng ngoại- cảm nghiệm- tình cảm- chấp nhận)

5) Kiểu (5) ISTP (hướng nội- cảm nghiệm- lý trí- chấp nhận) trái ngược hoàn toàn với kiểu (15) ENFJ (hướng ngoại- trực giác- tình cảm- phê phán)

6) Kiểu (6) ISFP (hướng nội- cảm nghiệm- tình cảm- chấp nhận) trái ngược hoàn toàn với kiểu (16) ENTJ (hướng ngoại- trực giác- lý trí- phê phán)

7) Kiểu (7) INFP (hướng nội- trực giác- tình cảm- chấp nhận) trái ngược hoàn toàn với kiểu (13) ESTJ (hướng ngoại- cảm nghiệm- lý trí- phê phán)

8) Kiểu (8) INTP (hướng nội- trực giác- lý trí- chấp nhận) trái ngược hoàn toàn với kiểu (14) ESFJ (hướng ngoại- cảm nghiệm- tình cảm- phê phán)

Như vậy, chúng ta có thể hiểu kiểu nhân cách là sự kết hợp 4 thuộc tính trong 4 cặp thuộc tính trái ngược nhau của 4 mặt:

Mặt 1, hướng ngoại hay hướng nội (E hay I)

Mặt 2, cảm nghiệm hay trực giác (S hay N)

Mặt 3, lý trí hay tình cảm (T hay F)

Mặt 4, phê phán hay chấp nhận (J hay P)

3. Sự phù hợp giữa nghề và kiểu nhân cách

Các nhà tâm lý học nhân cách và tâm lý học hướng nghiệp đã nghiên cứu để trả lời câu hỏi “một nghề nào đó đòi hỏi người hành nghề phải thuộc kiểu nhân cách nào và một kiểu nhân cách nào đó thì có thể làm được những nghề gì?”.

Căn cứ vào kết quả đã nghiên cứu được để trả lời câu hỏi nói trên, các nhà tâm lý học nhân cách và tâm lý học hướng nghiệp đã lập ra 1 bản có 3 cột sau đây:
STTKiểu nhân cách nàoPhù hợp với những nghề nào
 

4. Vấn đề tham vấn hướng nghiệp cho học sinh sao cho mỗi học sinh chọn được nghề phù hợp với kiểu nhân cách của mình

Tham vấn viên hướng nghiệp phải làm những việc sau đây:

1/ Giúp học sinh hiểu 8 thuộc tính: hướng ngoại (E), hướng nội (I), cảm nghiệm (S), trực giác (N), lý trí (T), tình cảm (F), phê phán (J), chấp nhận (P) là như thế nào.

2/ Tham vấn viên giúp mỗi học sinh tự xét mình có 4 thuộc tính nào trong 8 thuộc tính tâm lý nói trên và do đó biết mình thuộc kiểu nhân cách nào trong 16 kiểu nhân cách nói trên. Có thể cho học sinh trả lời một bản trắc nghiệm để biết học sinh đó thuộc kiểu nhân cách nào.

3/ Xem bảng thống kê 16 kiểu nhân cách và thống kê các nghề phù hợp với từng kiểu nhân cách đó (như đã nêu ở trên) để cho học sinh đó biết rằng những nghề phù hợp với kiểu nhân cách của mình là những nghề nào và hướng các em chọn học những nghề đó.

Hai nhà tâm lý học Mỹ lần đầu tiên đã nghiên cứu và phát hiện ra 16 kiểu nhân cách nói trên là bà Katharine Briggs và con gái bà là Isabel Briggs Myers.

Sau đó, hai nhà tâm lý học Mỹ khác là Paul D.Tieger và Barbara Barron đã nghiên cứu để tìm ra sự tương hợp giữa kiểu nhân cách nào với những nghề nào và đã trình bày nghiên cứu của mình trong quyển sách nổi tiếng DO WHAT YOU AREvới phụ đề: Discover the perfect career for you through the secrets of personality type.

Tất nhiên, những nghề được thống kê trong quyển sách nói trên là những nghề hiện có trong xã hội Mỹ hiện nay.

Xã hội Việt Nam ta hiện nay có những nghề ở Mỹ cũng có hoặc không còn có nữa và ở Mỹ lại có những nghề mà ở Việt Nam chưa có hoặc không thể có được. Vì thế việc ứng dụng công trình nói trên của các nhà tâm lý học Mỹ vào Việt Nam đòi hỏi Việt Nam phải có những công trình nghiên cứu về đặc điểm của từng nghề đang có ở Việt Nam và xác định mỗi nghề đó ở Việt Nam đòi hỏi người học nghề và hành nghề phải thuộc kiểu nhân cách nào trong 16 kiểu nói trên.

Hiện nay các nhà tâm lý học nhân cách và tâm lý học hướng nghiệp ở Việt Nam chưa làm được việc đó. Đó là vấn đề đặt ra phải giải quyết của tâm lý học Việt Nam hiện nay đối với hoạt động hướng nghiệp cho học sinh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Ngọc Bích (2000), Tâm lý học nhân cách: một số vấn đề lý luận, Nxb Đại Học Quốc gia, Hà Nội.
  2. Đào Thị Oanh (20070, Vấn đề nhân cách trong tâm lý học ngày nay, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Barry D.Smith và Harold J.Vetter, Nguyễn Kim Dân dịch (2005), Các học thuyết về nhân cách, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  4. Paul D.Tieger and Barbara Barron (2007), Do what your are. Discover the perfect career for you throught the secrets of personality type, New York.

  PGS.TS.Trần Tuấn Lộ

Góp ý
Các tin liên quan