Tâm lý học

line
19 tháng 12 năm 2019
   Bộ môn Tâm lý học, tiền thân là Khoa Tâm lý học được thành lập ngay từ khi thành lập Trường Đại học Văn Hiến. Đây là trường đại học đầu tiên ngoài công lập đào tạo Ngành Tâm lý học. Hiện nay, Bộ môn Tâm lý học trực thuộc Khoa Khoa học Xã hội - Truyền thông của Trường Đại học Văn Hiến. Bộ môn có 06 cán bộ, giảng viên cơ hữu gồm: 01 Phó Giáo sư - Tiến sĩ, 01 Tiến sĩ và 03 Thạc sĩ. Tất cả cán bộ, giảng viên luôn ý thức trau dồi đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ thông qua việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các giảng viên đều có các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành (Tạp chí Tâm lý học, Tạp chí Tâm lý học xã hội...), và có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp tỉnh, cấp bộ thuộc các lĩnh vực tâm lý trị liệu, tham vấn tâm lý, tâm lý xã hội được đánh giá cao, phục vụ tốt cho việc giảng dạy. Hơn nữa, để nâng cao chất lượng dạy học, bộ môn còn mời nhiều giảng viên thỉnh giảng có học hàm học vị, năng lực chuyên môn lẫn thực tiễn và các chuyên gia danh tiếng trong và ngoài nước về giảng dạy, tập huấn cho sinh viên. 

Danh sách cán bộ, giảng viên cơ hữu bộ môn Tâm lý học
   1. TS Mai Thị Nguyệt Nga - Trưởng bộ môn
   2. PGS.TS Trần Tuấn Lộ - Giảng viên
   3. ThS Nguyễn Thị Bích Thủy - Giảng viên
   4. ThS Phạm Thị Hồng Thái - Giảng viên
   5. ThS Trần Thị Thu Vân - Giảng viên
   Với 20 năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo, và không ngừng đổi mới chương trình, phương pháp dạy học theo hướng tích cực; Bộ môn Tâm lý học - Trường Đại học Văn Hiến đã xây dựng được thương hiệu, niềm tin đối với xã hội. Số lượng sinh viên theo học ngày càng đông. Từ khi thành lập đến nay, bộ môn đã đào tạo được gần 600 cử nhân Tâm lý học, và hiện tại có hơn 600 sinh viên đang theo học hai chuyên ngành: Tham vấn và Trị liệu tâm lý; Tham vấn và Quản trị nhân sự. Đây là những ngày học mà xã hội đang rất cần. Vì thế, sinh viên sau khi ra trường dễ dàng kiếm được việc làm tốt, đúng chuyên môn.
   Điểm nổi bật trong chương trình đào tạo Ngành Tâm lý học của Trường Đại học Văn Hiến là ứng dụng Tâm lý học vào thực tiễn. Để làm được điều đó, bộ môn đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với nhiều cơ sở, trung tâm như Bệnh viên tâm thần thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện tâm thần Bà Rịa, các công ty, doanh nghiệp khắp các tỉnh Nam Bộ... Và thường xuyên tổ chức cho sinh viên xuống các cơ sở này thực tập, thực tế. Nhiều sinh viên đã có thể làm việc bán thời gian ở đây.
   Bên cạnh việc học trên lớp, sinh viên Ngành Tâm lý học còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, nghiên cứu khoa học. Nhiều sinh viên, nhóm sinh viên đã đạt các giải thưởng nghiên cứu khoa học Euréka và cấp bộ; đồng thời, rất hăng say, nhiệt huyết trong các phong trào đoàn, hội cả trong và ngoài nhà trường. Qua đó, sinh viên tự mình rèn luyện nghề nghiệp, hình thành và phát triển nhân cách.
   Hầu hết sinh viên Ngành Tâm lý học - Trường Đại học Văn Hiến sau khi tốt nghiệp đều được các trường phổ thông, các bệnh viện tâm thần, bệnh viện đa khoa, phòng/ trung tâm tư vẫn, các doanh nghiệp, công ty lớn tuyển dụng. Thêm nữa, không ít sinh viên đã tiếp tục con đường học tập và đã bảo vệ thành công học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ, sau đó về giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học trên khắp cả nước.
   Tâm lý học là một ngành khoa học, một hoạt động nghề nghiệp mang tính nhân đạo cao quý. Với những ai giàu lòng yêu thương con người, muốn chia sẻ những khổ đau tình thần ở người khác, thì Ngành Tâm lý học là sự lựa chọn tối ưu. Nó không chỉ giúp chúng ta có một công việc tốt trong cuộc sống hiện đại mà còn làm cho xã hội, nhân loại ngày một tốt đẹp hơn.  
Các tin liên quan