Những rối loạn liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên

line
Những hành vi vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên thường liên quan đến những rối loạn hành vi. Những rối loạn hành vi hay gặp lại thường là một thành phần triệu chứng của những hội chứng bệnh lý thuộc các bệnh Loạn thần kinh (Nhiễu tâm) và Loạn tâm thần (Loạn tâm) ở trẻ em. Tuy nhiên, những rối loạn hành vi cũng có thể đứng riêng biệt, không nằm trong các bệnh lý nêu trên, chúng tạo thành một loại bệnh lý riêng, gọi là “Rối loạn hành vi đơn thuần”, theo Bernard Golse, Pierre Debray-Ritzen.

Vậy trong bài này sẽ đề cập đến các vấn đề: những rối loạn hành vi đơn thuần, trong đó có hành vi vi phạm pháp luật và những hành vi vi phạm pháp luật trong các bệnh lý tâm thần.

Rối loạn hành vi đơn thuần:

Hành vi rối loạn nhưng chưa vi phạm pháp luật:

Trước hết cần làm rõ một số khái niệm:

Hành vi là gì?

Đối với các nhà Sinh học, hành vi chỉ là cách sống và hoạt động trong một môi trường nhất định, dựa trên sự cần thiết thích nghi tối thiểu của cơ thể đối với môi trường.

Đối với các nhà Phân tâm học, hành vi là sự hợp lực, sự thỏa hiệp, bắt nguồn từ xung đột giữa nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tế (xung lực của “cái ấy” và những cấm kỵ của cái “siêu tôi”), được hợp nhất trong cái tôi.

Còn với những nhà Hành vi học, những người đã cho ra đời thuật ngữ “Hành vi”, thì nó được hiểu là hàng chuỗi các cử động bề ngoài của con người, được nảy sinh để đáp ứng với một kích thích theo cơ chế kích thích – đáp ứng. Hành vi là sự tác động qua lại giữa cơ thể sống với môi trường xung quanh, do tác động từ kích thích bên ngoài và từ nhu cầu bên trong thúc đẩy, nhằm thực hiện chức năng thích nghi với môi trường. Thuật ngữ hành vi có thể được dùng để chỉ hành động của cá thể riêng biệt, hay của nhóm, loài (hành vi một chủng loài sinh vật hay một nhóm xã hội).

Thế nào là rối loạn hành vi?

Nói đến rối loạn hành vi có nghĩa là người ta đã đặt ra một giới hạn, một chuẩn mực để xác định hành vi bình thường so với hành vi không bình thường của một đứa trẻ nhất định, sống trong một môi trường nhất định. Thực ra, đây là một việc làm khó khăn. Tuy nhiên, có sự tồn tại của ba khái niệm về chuẩn mực: theo thống kê học, người ta xem những lệch lạc nghiêm trọng về khía cạnh này hay khía cạnh khác là điều dị thường; theo chuẩn mực hướng dẫn, định hướng, điều được cho là dị thường khi chúng được so với những luật lệ về đạo đức xã hội của một nhóm văn hóa xã hội nhất định; và theo chuẩn mực chức năng, người ta xác định một hành vi thích hợp, với những mục đích mà cá nhân đặt ra, là bình thường.

Trở lại với rối loạn hành vi đơn thuần, theo phân loại, chúng được bao gồm những vấn đề sau:

Hành vi gây hấn (Aggression):

Người ta đã nghiên cứu cơ sở sinh lý thần kinh của tính hung bạo:

Vùng hạnh nhân thái dương có vai trò hoạt hóa tính hung bạo, trong khi một vài vùng ở đồi thị lại có vai trò ức chế tính này. Hệ thống viền tham gia vào việc điều hòa các phản ứng cảm xúc và các hành vi hung bạo.

Có sự ảnh hưởng của các chất nội tiết tới hành vi hung bạo. Người ta đã nghiên cứu tác dụng sủa sự sử dụng sớm những hormone nam, ngay từ khi trong tử cung, có khả năng gây hậu quả kích thích tính bạo lực.

Một phần tính hung bạo của con người còn có thể là bẩm sinh.

Mức độ hung tính nền tảng của con người là do hệ sinh lý thần kinh chi phối. Tuy nhiên, nó có thể có những biến thể do tâm lý và các mối quan hệ chi phối: những hung bạo phản ứng gắn với những thất vọng trong cuộc sống.

Giận dữ:

Giận dữ là một phản ứng cảm xúc mạnh, thể hiện bằng những cơn gào thét, kèm theo mặt đỏ hoặc tái, mồ hôi và nước mắt… Trẻ dậm chân và có thể có sự kích động ít nhiều mang tính hung bạo.

Các cơn giận dữ là biểu hiện rất trực tiếp của gây hấn, nó thường gặp ở trẻ 3 – 4 tuổi, khi mà trẻ chưa làm chủ ngôn ngữ của mình và để phản ứng lại khi người lớn áp đặt, điều chỉnh hành vi ứng xử của trẻ. Trẻ có thể biểu hiện sự công kích người khác, và nếu không có khả năng công kích người khác thì có thể tự công kích mình.

Thái độ giải quyết của gia đình với sự giận dữ của trẻ rất quan trọng. Nó có thể biểu hiện ở hai cách thức: Sự trừng phạt dứt khoát có thể khiến trẻ bớt những cơn giận dữ, nhưng cũng có khi có hậu quả là trẻ “chai lì”, thích được trừng phạt hơn là sự bàng quan của những người xung quanh. Điều này rất tai hại cho trẻ khi lớn lên sau này. Trái lại, nếu gia đình quá thương xót nên tạm chấp nhận khiến trẻ trầm trọng thêm các cơn giận dữ, tìm cách khai thác “điểm yếu” đó của gia đình để thu được điều “có lợi” cho riêng mình.

Nói dối:

Nói dối có thể được coi là tâm lý bình thường trước tuổi lên 6, lên 7. Hiện tượng nói dối tự vệ là hết sức thông thường. Trường hợp này hay gặp ở trường học: trẻ có vấn đề như bị thày cô phạt, cho điểm xấu…trẻ lo lắng bị cha mẹ, nhất là cha mẹ quá nghiêm khắc biết và la mắng, nên đã nói dối dưới hình thức “quên” và dấu không nói với cha mẹ.

Khi lớn lên sau này, khoảng 10 – 12 tuổi, tật nói dối có thể kèm theo trộm cắp hoặc làm hại người khác một cách có cân nhắc. Ở đây trẻ đã nổi lên rõ hơn ý muốn vượt qua luật lệ xã hội và dẫn đến sự phạm pháp.

Trộm cắp:

Trẻ có hành vi “trộm cắp” ở tuổi trước 5 hay 6 tuổi thì hoàn toàn không đáng kể, bởi vì trẻ chưa có khái niệm về sở hữu (của người khác) mà chỉ nghĩ những vật đó là cho mình. Trộm cắp sau 5-6 tuổi trở nên có ý nghĩa hơn. Có thể đó là do thiếu sự dạy dỗ đến nơi đến chốn về khái niệm sở hữu.

Trong hành vi trộm cắp ở trẻ có thể mang nhiều ý nghĩa: đùa dỡn, chống đối, ghen tuông, ham muốn không thể kiềm chế được trước một đồ vật nào đó…Người lớn cần làm sáng tỏ ý nghĩa nào ở hành vi trộm cắp nào đó của trẻ mới có khả năng giúp trẻ điều chỉnh hành vi tốt hơn.

Khi trộm cắp tái đi tái lại sau tuổi 10 – 12 sẽ là điều đáng lo ngại.

Hành vi vi phạm pháp luật:

         Những biểu hiện của hành vi vi phạm pháp luật, theo thống kê của Cục QLHC & Trật tự XH TP.HCM, trong 2 năm 2003-2004, có tới 20.496 vụ người vị thành niên vi phạm pháp luật trên tổng số 29.029 vụ, chiếm tỷ lệ 70%. Những hành vi vi phạm pháp luật bao gồm một số hình thức như sau:

Trốn nhà và sống lang thang:

Đó là biểu hiện của một thiếu niên tự cắt đứt với hoàn cảnh gia đình và xã hội xung quanh. Trẻ có thể tụ tập thành một nhóm, có sự chuẩn bị trước với mục đích cụ thể nào đó và ngày nào đó sẽ trở về. Tỷ lệ bỏ nhà đi là 65% ở con trai và 35% ở con gái. Cũng có thể là sự trốn nhà cô đơn, đi không có mục đích, sau một xung đột với gia đình. Đặc biệt, có những trường hợp trốn nhà để ra đi, thoát khỏi những khuôn phép của gia đình. Trường hợp này trẻ sẽ đi bất cứ đâu và muốn ra sao thì ra. Nó là sự chia tách với gia đình sâu sắc nhất.

Xâm phạm tài sản:

Đây chính là hành vi trộm cắp và phá hoại vật chất, có chiều hướng gây hấn và chống đối xã hội. Phạm tội ăn cắp là người nào đó lấy đồ vật không phải của mình một cách gian lận. Bên cạnh định nghĩa này, hành vi trộm cắp còn được phân biệt rõ qua một số khái niệm:

Nó phải đáp ứng tiêu chuẩn về định lượng: hành vi ăn cắp của trẻ phải thành thói quen thường xuyên mới thực sự là phạm pháp. Đây là sự phân biệt có thiện ý: có đứa trẻ nào bình thường trong đời lại không có một lần đã ăn cắp một cái gì đó.

Không phải là ăn cắp khi chủ tự ý trao cho. Ở đây trẻ muốn giữ lại những cái mà người ta chỉ cho mượn có được coi là ăn cắp không là điều còn là ranh giới của khái niệm vi phạm.

Theo pháp luật, không có khái niệm ăn cắp giữa cha mẹ và con.

Cũng theo pháp luật học, chỉ coi là ăn cắp khi có ý đồ gian lận, nghĩa là phải có ý thức muốn chiếm hữu đồ vật của người khác. Tỷ lệ tội phạm trộm cắp tài sản theo điều tra ở nước ta, luôn chiếm tỷ lệ cao nhất: khoảng 41% trong các loại.

Phạm tội bạo lực:

         Đây là tội xâm phạm thân thể, thậm chí giết người. Nó hiếm gặp ở trẻ em, nhưng đôi khi thấy ở thiếu niên lớn. Tỷ lệ tội phạm cố ý gây thương tích trong cả nước khoảng 4,1%, giết người là 1,63% trong các loại.

Phạm tội liên quan đến tình dục:

Vi phạm pháp luật loại này bao gồm hiếp dâm và mãi dâm. Hiếp dâm là sự xâm phạm đến sự e lệ của người khác, chủ yếu là nữ giới.

Nghiện ma túy:

Dùng nhiều lần, kéo dài và tăng liều những chất độc hại, đưa đến sự lệ thuộc tâm lý và cơ thể nặng, người thanh thiếu niên trở thành tù nhân của sự nghiện. Tội phạm ma túy và người nghiện ma túy đã trở thành hiểm họa của toàn dân. Nạn mại dâm và người nhiễm HIV đã len lỏi cả vào vùng sâu, vùng xa. (Theo cục QLHC & trật tự XH).

Phạm pháp thành nhóm:

Đây là những băng rất hỗn tạp. Hạt nhân của băng là một vài thanh niên thông minh và cơ bản là phản xã hội. Xung quanh chúng là những người trí năng hạn chế, cũng có thể là những người nhiễu tâm (loạn thần kinh chức năng), rối loạn lo âu nhẹ và băng đảng này đem lại cho họ một chút an ủi. Thông thường, các băng này lập lên không vì mục đích phạm pháp, mà phạm pháp là hậu quả tất nhiên của tình trạng vô công rồi nghề và nghèo khổ.

Những hành vi vi phạm pháp luật trong các bệnh lý tâm thần:

Đây là những hành vi phạm pháp thuộc các bệnh lý tâm thần, bao gồm: Những rối loạn hành vi và cảm xúc thường khởi phát ở tuổi trẻ em và thanh thiếu niên; những rối loạn nhân cách và thói quen xung động; chậm phát triển tâm thần nhẹ; động kinh tâm thần; và tâm thần phân liệt.

Những rối loạn hành vi và cảm xúc thường khởi phát ở tuổi thanh thiếu niên:

Rối loạn hành vi ở những người kém thích ứng xã hội (F91.1 trong ICD-10):

Đặc điểm của rối loạn này là có một hành vi chống xã hội hoặc gây hấn kéo dài, kết hợp với một bất thường đáng kể trong mối quan hệ xã hội. Các hành vi vi phạm pháp luật điển hình bao gồm các hành vi bắt nạt, càn quấy quá mức, trấn lột hoặc tấn công hung bạo. Trẻ vị thành niên không vâng lời một cách quá đáng, thô bạo hay láo xược, không hợp tác và chống đối lại các nhà chức trách. Trẻ cũng có thể phá hoại tài sản của người khác, gây cháy, độc ác với trẻ khác và súc vật.

Về mối quan hệ xã hội, trẻ có mối quan hệ với người lớn với khuynh hướng mang tính bất hòa, thù địch và hằn học.

Rối loạn hành vi ở những người còn thích ứng xã hội (F91.2):

Biểu hiện như loại trên, chỉ khác là còn khả năng thâm nhập vào nhóm các trẻ cùng lứa khác. Trẻ bị lôi cuốn vào những hành vi phạm pháp, chống đối xã hội và được bạn cùng lứa tán thưởng.

Những rối loạn nhân cách và thói quen xung động:

Những rối loạn nhân cách bao gồm: rối loạn nhân cách chống xã hội; rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định. Còn trong các rối loạn thói quen và xung động, bao gồm: đánh bạc bệnh lý; gây cháy bệnh lý, trộm cắp bệnh lý và các rối loạn thói quen và xung động khác. Cũng trong nhóm này, có thể xếp vào đó rối loạn “Loạn dục trẻ em”.

Rối loạn nhân cách chống xã hội (F60.2):

Ở rối loạn này, thanh thiếu niên có hành vi lệch lạc so với chuẩn mực xã hội thịnh hành, với những nét đặc trưng: lãnh đạm, nhẫn tâm với cảm xúc của người khác; thái độ vô trách nhiệm thô bạo, dai dẳng coi thường các chuẩn mực, qui tắc và nghĩa vụ xã hội; Ngưỡng chịu đựng sự không toại nguyện thấp, dễ tấn công, hung bạo. Trẻ này thường mất khả năng cảm nhận tội lỗi và rút kinh nghiệm, đặc biệt đối với sự trùng phạt.

Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định (F60.3):

Trong rối loạn này có loại xung động (F60.30), với đặc trưng chiếm ưu thế là cảm xúc không ổn định và thiếu kiềm chế xung động. Thanh thiếu niên này thường xuyên có cơn hung bạo hoặc hành vi đe dọa, đặc biệt khi phản ứng với sự phê bình của người khác.

Đánh bạc bệnh lý (F63.0):

Rối loạn bao gồm các giai đoạn đánh bạc lặp đi lặp lại nhiều lần, chiếm ưu thế trong đời sống cá nhân và làm tổn hại đến các giá trị và nhiệm vụ về các mặt xã hội, nghề nghiệp, vật chất, và gia đình của họ. Những người mắc rối loạn này có thể có nguy cơ mất việc, mang nợ nhiều và nói dối hay vi phạm pháp luật để có tiền bạc hoặc quỵt nợ.

Gây cháy bệnh lý (F63.1):

Rối loạn được đặc trưng bởi những dự định hay hành động đốt cháy tài sản, vật dụng của người khác. Đây là cơn xung động, nên hành động này không có lý do rõ ràng mà chỉ để thỏa mãn cơn xung động.

Trộm cắp bệnh lý (F63.2):

Rối loạn được đặc trưng bởi nhiều lần không thể cưỡng được xung động ăn cắp các đồ vật. Có đặc điểm nữa là bệnh nhân không sử dụng đồ vật đó cho cá nhân.

Các rối loạn thói quen và xung động khác (F63.8):

Nói chung là các hành vi không thích ứng, lặp đi lặp lại dai dẳng. Thường biểu hiện những hành vi bùng nổ từng cơn. Ở nước ta đã từng có vụ đứa trẻ 14 tuổi, chuyên dùng dao đâm những người nữ nơi đường vắng. Sau mỗi lần đâm bị thương một người, trẻ này lại khắc dấu số lần vào một tấm gỗ. Vụ này gây hoang mang trong xã hội và đã được các báo đăng tin về “sát thủ vô hình” khi chưa tìm ra thủ phạm.

Loạn dục trẻ em (F65.4):

Một sự ưa chuộng tình dục với trẻ em, thường ở tuổi trước dậy thì hoặc vừa mới dậy thì.

Chậm phát triển tâm thần:

Trẻ vị thành niên chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ thường dễ bị những băng nhóm rủ rê và có hành vi phạm tội theo nhóm.

Động kinh tâm thần:

Trong bệnh động kinh có một thể bệnh là “động kinh tâm thần” hay còn gọi là “động kinh thái dương”. Người bệnh có thể có cơn “xung động động kinh”: đột nhiên rơi vào trạng thái ý thức rối loạn “hoàng hôn”, chạy thằng về phía trước, dùng bất kì cái gì có trong tay, đập phá, tấn công tất cả, dù là vật vô tri vô giác hay sinh vật sống một cách tàn bạo như nhau. Có thể gây án mạng giất người hàng loạt. Sau đó người bệnh không nhớ gí sự việc xảy ra.

Bệnh tâm thần phân liệt:

Đây là một bệnh rối loạn tâm thần nặng, tiến triển mạn tính với triệu chứng lâm sàng đa dạng. Đặc biệt, các chức năng tâm thần chủ yếu như tư duy, cảm xúc và hành vi bị phá vỡ nghiêm trọng.

Các nguyên nhân đưa đến hành vi bạo lực của bệnh là:

Hoang tưởng:

Hành vi bạo lực hay gặp do hoang tưởng bị hại. Người bệnh cho rằng có người có ý định, mưu đồ và những hành động ám hại mình. Người mà bệnh nhân cho rằng muốn hại mình, có thể ở xung quanh, nhưng hay gặp nhất lại chính là những người gần gũi bệnh nhân nhất: vợ chồng, cha mẹ. Do hoang tưởng, người bệnh trở nên căm thù người hại mình. Để nhằm mục đích tự vệ, họ giết người hại mình trước, đó chính là vợ con, cha, mẹ của người bệnh.

Ảo giác:

Hay gặp ở người bệnh có ảo giác: bệnh nhân nghe tiếng nói (mà thực tế không có ). Đó là những tiếng nói ra lệnh cho bệnh nhân phải giết người. Cũng có thể là ảo tưởng thị giác: nhìn thấy người có hình thù quái dị, ma quỉ…đang tấn công mình, nên cũng để tự vệ, bệnh nhân giết đối tượng đó.

Cơn xung động phân liệt:

Đây là cơn bùng phát mãnh liệt, không có lý do chính đáng, không có sự kiềm chế, bệnh nhân mất khả năng kiểm soát hành vi của mình nên đã đập phá, tấn công, giết người. Cũng có khi bệnh nhân giết người theo ý nghĩ kỳ dị của mình.

Kết luận:

Như vậy, những hành vi phạm tội bao giờ cũng liên quan đến rối loạn hành vi. Những rối loạn hành vi có thể thuộc loại Rối loạn hành vi đơn thuần. Theo giáo sư người Ý là Cesare Beccaria (1738-1794), con người là sinh vật có lý trí, và như vậy hành vi của con người là kết quả của một quá trình suy luận logic. Hành vi phạm tội đương nhiên cũng tuân theo qui luật trên. Trên cơ sở đó, ông khẳng định trừng phạt là không bao giờ thừa đối với những kẻ phạm tội. Tất nhiên, với người vị thành niên, pháp luật có qui định xử lý riêng, không như đối với người trưởng thành.

Đồng thời, hành vi vi phạm pháp luật còn gặp trong những rối loạn hành vi thuộc bệnh lý tâm thần. Những thiếu niên lệch lạc và phạm pháp ngày càng được hệ thống y học – xã hội thu về hướng làm giảm tính trấn áp của hình phạt và nhấn mạnh đến nghiên cứu các giải pháp xây dựng để trẻ có sự thích nghi tốt hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Bá Dục (2004), Phòng ngừa án mạng gây thương tích do mâu thuẫn, thù tức cá nhân trong cộng đồng dân cư, Hội thảo khoa học, Tổng cục cảnh sát – Báo Thanh niên, TP.HCM, 27.8.2004.

2. Bernard Golse, Pierre Debray-Ritzen (1991), Rối loạn hành vi đơn thuần, Tâm bệnh học trẻ em (Ban biên soạn, dịch thuật của trung tâm NT dịch), NXB Y học, Hà nội.

3. Hà Thanh (2012), Bước đầu tìm hiểu tâm lý tội phạm, nguồn: vantuyen.net

4.Nguyễn Văn Thọ (2001), Bài giảng Tâm thần học,Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bộ Y tế.

  1. Tổ chức Y tế Thế giới (1992), Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi, Geneva (Nguyễn Việt và nhóm BS Bệnh viên Bạch mai dịch).

PGS.TS.BS.Nguyễn Văn Thọ

                                       (Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Văn Hiến)

Góp ý